Sean Le TV Store
Bóng Mây Tình Yêu
Bóng Mây Tình Yêu
Nếu muốn họa lại những bức tranh quá khứ, để tìm lại con người mình ở những chân
trời cũ, một người nghệ sĩ sẽ chọn cách nào? Với Kim Vui, âm nhạc và tình yêu có lẽ là
sự chọn lựa hiển nhiên.
Bóng Mây Tình Yêu mở đầu câu chuyện bằng cách nói về hai thứ tình yêu sâu đậm, đã
mất khi Kim Vui nhìn lại lúc cuối cuộc đời. Lời Mở Đầu Bóng Mây Tình Yêu là những
nốt nhạc dạo rung động, sâu lắng nhất để tạo bối cảnh cảm xúc và mở lối cho những
rung cảm sâu hơn, mạnh mẽ hơn, khai mở những gì tiềm ẩn trong tâm suốt cuộc đời
nghệ sĩ. Khác với Kiều Chinh, tuy là tài tử chính trong nhiều phim như Thương Hận,
Cúi Mặt, Chân Trời Tím.., tài tử Kim Vui bước vào con đường nghệ thuật bằng tiếng
hát. Trước khi trở thành ca sĩ tài danh, Kim Vui đã hát để giúp vui cho các cụ già trong
xóm, cho các đám cưới quanh làng, đã trình diễn chuyên nghiệp khi giọng còn chưa vỡ
hẳn, và phải có người nhà đi kèm trông chừng mỗi khi trình diễn..
Nhưng Bóng Mây Tình Yêu không chỉ là quyển hồi ký của một nghệ sĩ thao thức với
những đam mê nghệ thuật, Kim Vui đã viết lại những cảnh bạo loạn của buổi giao thời.
Ký ức sớm nhất được ghi lại của cô bé Kim Vui là cuộc chạy loạn từ Sài Gòn về Trà
Vinh, trên con tàu tị nạn trên sông Cửu Long bao la, tiến dần về vùng quê không ai tiếp
đón, ngủ đêm ở chợ hoang, tiếp xúc với những kẻ cướp mượn danh là những người
yêu nước chống Pháp để cướp của, giết người, với những thổ phỉ Miên man rợ giết
người bằng dao rựa. Ngoài những ký ức rùng rợn về chuyến đi tị nạn, Kim Vui còn
chính mắt chứng kiến cảnh lính Pháp tiến vào làng quê ở Trà Vinh giết người, hãm
hiếp, cảnh cộng sản tiến vào làng thuyết phục dân làng ủng hộ. Song song với những
cảnh tao loạn bên ngoài, cuộc đời của Kim Vui cũng trắc trở không kém. Từng có lúc cô
bé Kim Vui vô gia cư đứng trước tiệm Phở ngửi mùi phở rồi lặng lẽ quay đi vì không có
một đồng dính túi. Từng có lúc người mẹ Kim Vui phải trèo cửa sổ để vào nhà dỗ con.
Cuộc đời của Kim Vui là một điệp khúc sống động vẽ lại những cảnh hà khắc trong gia
đình và xã hội đã được Nhất Linh, Khái Hưng tiểu thuyết hóa trong các tác phẩm Tự
Lực Văn Đoàn.